Quan điểm về phát triển trong triết học và ví dụ

Ngày: 05/11/2023
Sự phát triển là một quá trình tất yếu của thế giới vật chất và xã hội. Bài viết này Ôn thi sinh viên sẽ cung cấp cho bạn  những kiến thức cơ bản về quan điểm về sự phát triển trong triết học, bao gồm khái niệm, tính chất, nguyên tắc và các ví dụ minh họa.
 
 

I. Quan điểm về sự phát triển

1. Khái niệm về sự phát triển

- Phát triển là quá trình vận động từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, từ chất cũ đến chất mới ở trình độ cao hơn. 
- Phát triển là vận động nhưng không phải mọi vận động đều là phát triển, mà chỉ vận động nào theo khuynh hướng đi lên thì mới là phát triển. Vận động diễn ra trong không gian và thời gian, nếu thoát ly chúng thì không thể có phát triển. 

 
 VÍ DỤ
  • Giới tự nhiên phát triển từ vô cơ đến hữu cơ, từ vật chất chưa có sự sống đến các loài thực vật, động vật, đến con người. 
  • Xã hội loài người phát triển từ chế độ công xã nguyên thủy, qua các chế độ khác nhau rồi đến xã hội chủ nghĩa. 
  • Trí tuệ con người phát triển không ngừng, từ chỗ người nguyên thủy chỉ chế tạo được các công cụ bằng đá, đến nay đã chế tạo được máy móc tinh vi.

2. Phân biệt tiến hóa và tiến bộ

  Tiến hóa Tiến bộ
Khái niệm Là một dạng của phát triển, diễn ra theo cách từ từ, và thường là sự biến đổi hình thức của tồn tại xã hội từ đơn giản đến phức tạp.  Là một quá trình biến đổi hướng tới cải thiện thực trạng xã hội từ chỗ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn so với thời điểm ban đầu, đề cập đến sự phát triển có giá trị tích cực.
Ví dụ Từ tổ tiên chung là những loài bò sát hay động vật cổ xưa mà đã tiến hóa thành rất nhiều loài khác nhau tồn tại hiện nay, tạo nên xã hội động vật vô cùng phong phú và phức tạp.  Sự tiến bộ của của khoa học công nghệ giúp con người xử lí công việc trở nên dễ dàng hơn, chính xác hơn, hiệu quả cao hơn.
 
 

3. Quan điểm siêu hình và quan điểm biện chứng

- Quan điểm siêu hình:
+ Phủ nhận sự phát triển, tuyệt đối hóa mặt ổn định của sự vật, hiện tượng.
+ Phát triển ở đây chỉ là sự tăng lên hoặc giảm đi về mặt lượng, chỉ là sự tuần hoàn, lặp đi, lặp lại mà không có sự thay đổi về chất, không có sự ra đời của sự vật, hiện tượng mới.
- Quan điểm biện chứng:
+ Coi sự phát triển là sự vận động đi lên, là quá trình tiến lên thông qua bước nhảy; sự vật, hiện tượng cũ mất đi, sự vật, hiện tượng mới ra đời thay thế.
+ Chỉ ra nguồn gốc bên trong của sự vận động, phát triển là đấu tranh giữa các mặt đối lập bên trong sự vật, hiện tượng
- Đặc điểm chung của sự phát triển là tính tiến lên theo đường xoáy ốc, có kế thừa, có sự dường như lặp lại sự vật, hiện tượng cũ nhưng trên cơ sở cao hơn. Quá trình đó diễn ra vừa dần dần, vừa có những bước nhảy vọt... làm cho sự phát triển mang tính quanh co, phức tạp, có thể có những bước thụt lùi tương đối trong sự tiến lên.
Giải thích:
- Các mặt đối lập của mâu thuẫn là những khuynh hướng, tính chất, đặc điểm,… mà trong quá trình vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng, chúng phát triển theo những chiều hướng trái ngược nhau:

 
VÍ DỤ
  • Mỗi sinh vật đều có mặt đồng hóa và dị hóa. Đồng hóa là quá trình trao đổi làm cho các tế bào được nảy sinh, còn dị hóa là ngược lại.
  •  Mỗi hoạt động kinh tế đều có mặt sản xuất và tiêu thụ. Hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm, hoạt động tiêu thụ lại triệt tiêu sản phẩm.

- Sự đấu tranh giữa các mặt đối lập là sự tác động, bài trừ, gạt bỏ nhau giữa các mặt đối lập trong cùng 1 sự vật, hiện tượng.
VÍ DỤ
  • Sự đấu tranh giữa điện tích âm và điện tích dương trong nguyên tử
  • Sự đấu tranh giữa giai cấp thống trị và bị trị trong xã hội mâu thuẫn giai cấp
 

Vì sao nói rằng nguồn gốc bên trong của sự vận động, phát triển là đấu tranh giữa các mặt đối lập bên trong sự vật, hiện tượng?
Vì sự đấu tranh giữa các mặt đối lập làm cho sự vật và hiện tượng không thể giữ nguyên trạng thái cũ. Kết quả là mâu thuẫn cũ mất đi, mâu thuẫn mới hình thành, sự vật và hiện tượng cũ được thay thế bằng sự vật, hiện tượng mới. Quá trình này tạo nên sự vận động và phát triển vô tận của thế giới khách quan. Chính vì vậy, nguồn gốc bên trong của sự vận động, phát triển là đấu tranh giữa các mặt đối lập bên trong sự vật, hiện tượng.

 
VÍ DỤ
  • Sự đấu tranh giữa giai cấp nô lệ với giai cấp chủ nô đã làm cho xã hội chiếm hữu nô lệ tiêu vong, hình thành nên xã hội phong kiến với mâu thuẫn mới là giai cấp địa chủ và giai cấp nông dân.
  • Ví dụ cho sự phát triển không diễn ra theo đường thẳng mà quanh co,mà là là tính tiến lên theo đường xoáy ốc: Nền kinh tế Việt Nam sau khi đổi mới đã có sự phát triển chung, đó là khuynh hướng đi lên. Nhưng trong nền kinh tế, không phải tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển mà tồn tại trong đó những công ty, những doanh nghiệp làm ăn cầm chừng, thậm chí phá sản. KT Việt Nam phát triển không đồng nhất rằng mọi yếu tố trong nền KT Việt Nam phát triển nhưng kết quả cuối cùng vẫn chính là sự tiến lên và phát triển của nền KT Việt Nam.

II. Tính chất

- Tính khách quan: nguồn gốc của sự vật, hiện tượng nằm trong chính bản thân sự vật, hiện tượng đó, chứ không phải do tác động từ bên ngoài và đặc biệt không phụ thuộc vào ý thích, ý muốn chủ quan của con người.
- Tính phổ biến: sự phát triển có mặt ở khắp mọi nơi trong các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy.
- Tính kế thừa: sự vật, hiện tượng mới ra đời không thể là sự phủ định tuyệt đối, phủ định sạch trơn, đoạn tuyệt một cách siêu hình đối với sự vật, hiện tượng cũ mà thay vào đó là gạt bỏ những yếu tố tiêu cực, lỗi thời của cái cũ, đồng thời giữ lại những yếu tố tích cực thích hợp để phát triển cái mới. Tính kế thừa là tất yếu và khách quan, đảm bảo cho sự vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng là liên tục không ngừng.

 
VÍ DỤ
  • Các giống loài phát triển theo quy luật di truyền. Thế hệ con cái kế thừa những yếu tố tích cực của thế hệ bố mẹ, gạt bỏ những yếu tố không còn thích hợp với hoàn cảnh mới.
  • Chế độ xã hội chủ nghĩa ra đời từ xã hội cũ, không xóa bỏ “sạch trơn” xã hội cũ là tiếp thu, kế thừa những tinh hoa, những điểm tích cực, chọn lọc những thành quả mà nhân loại đạt được dưới chế độ xã hội cũ.

- Tính đa dạng, phong phú:
+ Sự phát triển diễn ra trong mọi lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy, nhưng mỗi sự vật, hiện tượng lại có quá trình phát triển không giống nhau.
+Tính đa dạng và phong phú của sự phát triển còn phụ thuộc vào không gian và thời gian, vào các yếu tố, điều kiện tác động lên sự phát triển đó.

 
VÍ DỤ
  • Cùng học 1 thầy cô nhưng cách suy nghĩ, sự phát triển của mỗi học sinh là khác nhau.
  • Cùng bắt nguồn từ tổ tiên chung nhưng mỗi loài lại có sự phát triển khác nhau.

III. Nguyên tắc của sự phát triển

- Thứ nhất, khi xem xét sự vật, hiện tượng phải đặt nó trong khuynh hướng vận động, biến đổi, chuyển hóa nhằm phát hiện ra xu hướng biến đổi của nó. Điều này có nghĩa rằng khi ta cần xem xét, nhận thức nó không chỉ ở trạng thái hiện tại mà còn ở quá khứ để xem cách nó được sinh ra. Từ đó dự báo được khuynh hướng phát triển của nó trong tương lai. Dự báo đúng sẽ giúp ta đi tới thành công, còn sai sẽ đi đến thất bại, và khi dự báo về sự phát triển của sự vật, hiện tượng, cần vạch ra 1 số xu hướng chủ yếu để không trở nên bị động trong hành động. Nói cách khác, khi dự đoán, ta phải có phương án dự phòng.
- Thứ hai, cần nhận thức được rằng, phát triển là quá trình trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có đặc điểm, tính chất, hình thức khác nhau nên cần tìm hình thức, phương pháp tác động phù hợp để hoặc thúc đẩy, hoặc kìm hãm sự phát triển đó.
- Thứ ba, phải sớm phát hiện và ủng hộ đối tượng mới hợp quy luật, tạo điều kiện cho nó phát triển; chống lại quan điểm bảo thủ, trì trệ, định kiến. Vì sự vật, hiện tượng luôn luôn thay đổi, luôn luôn vận động. Cũng chính vì vậy, cách tư duy của chúng ta với sự vật, hiện tượng phải luôn linh hoạt, mềm dẻo, tránh bảo thủ, trì trệ, định kiến vì điều này đi ngược với sự phát triển tất yếu của sự vật, hiện tượng, vi phạm qui tắc phát triển.
- Thứ tư, biết kế thừa các yếu tố tích cực từ đối tượng cũ và phát triển chúng trong điều kiện mới. 

Hiểu rõ quan điểm về sự phát triển giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn về thế giới xung quanh, từ đó có những hành động phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của bản thân và xã hội. Hãy truy cập ngay theo đường dẫn dưới đây để tham gia thi thử trắc nghiệm Triết học Mác - Lênin.

 
 
Chúc các bạn học tốt!!