Chương II giới thiệu nội dung cơ bản về: "Quan hệ cung cầu". Các vấn đề cơ bản về cung cầu như khái niệm, quy luật, các nhân tố ảnh hưởng đến cung cầu sẽ được xem xét để thấy rõ cơ chế hình thành giá cả trong nền kinh tế thị trường và sự điều chỉnh của thị trường. Ngoài ra, chương này xem xét các chính sách can thiệp của chính phủ và phân tích tác động của các chính sách đó tới thị trường như chính sách giá trần, giá sàn và chính sách thuế, chính sách thương mại.
Xem thêm Kinh tế vi mô - Chương I: "Tổng quan về kinh tế học"
Cầu là số lượng hàng hoá hoặc dịch vụ mà người tiêu dùng muốn mua và có khả năng mua ở các mức giá khác nhau trong khoảng thời gian nhất định.
Như vậy cầu bao gồm hai yếu tố hợp thành đó là ý muốn mua và khả năng mua. Nếu bạn rất muốn mua một chiếc máy tính xách tay SonyVaio đời mới rất đẹp và sang trọng nhưng vì giá nó rất cao và bạn không có đủ tiền thì cầu của bạn đối với máy tính xách tay đó bằng không. Tương tự, nếu bạn có rất nhiều tiền nhưng bạn không muốn mua chiếc máy tính Acer cũ thì cầu của bạn cũng không tồn tại. Như vậy cầu đối với hàng hoá hoặc dịch vụ chỉ tồn tại khi người tiêu dùng vừa mong muốn mua hàng hoá đó và sẵn sàng chi trả tiền cho hàng hoá đó .
Lượng cầu là số lượng hàng hoá hay dịch vụ mà người tiêu dùng muốn mua và sẵn sàng mua tại một mức giá nhất định,ceteris paribus.
Lượng cầu đối với một hàng hoá nào đó có thể lớn hơn lượng hàng hoá thực tế bán ra. Ví dụ, để thu hút khách hàng, mỗi tháng cửa hàng đĩa hát CD bán khuyến mại một lần vào ngày đầu tháng 20 đĩa ca nhạc với giá 10.000 đồng 1 chiếc. Tại mức giá thấp đó, người tiêu dùng muốn và sẵn sàng mua 30 chiếc CD, nhưng vì cửa hàng chỉ bán 20 chiếc đĩa hát nên người tiêu dùng chỉ mua được 20 chiếc CD. Vậy lượng cầu là 30 – là lượng người tiêu dùng muốn mua nhưng lượng thực tế bán ra chỉ là 20 chiếc.
Như vậy có thể thấy là cầu biểu diễn mối quan hệ giữa lượng cầu và giá,trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi.
Hình 2.1 minh hoạ đường cầu ước lượng đối với thịt lợn tại Canada (Moschini và Meilke, 1992).Trên đồ thị 2.1 trục tung biểu diễn giá tính bằng đô la/kg còn trục hoành biểu diễn sản lượng đo bằng nghìn tấn/năm. Trong trường hợp này thì đường cầu là một đường thẳng tuyến tính còn nhìn chung đường cầu là đường nghiêng xuống về phía bên phải.
Hình 2.1. Đường cầu (D1) đối với thịt lợn của Canada
Tại mức giá là 14.30/kg hoặc cao hơn thì lượng cầu sẽ bằng không. Còn 286 nghìn tấn cho biết lượng thịt lợn mà người tiêu dùng muốn nếu giá bằng không. Tại mức giá là 3,30/kg thì lượng cầu sẽ là 220 nghìn tấn một năm.
Như vậy, một điều đặc biệt quan trọng cần ghi nhớ ở đây là đồ thị đường cầu chỉ minh hoạ mối quan hệ giữa lượng cầu và giá. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến cầu như thu nhập, thị hiếu, giá của hàng hoá liên quan như giá thịt bò, thịt gà... được coi như không đổi bằng giả định ceteris paribus.
Mức giá (đôla/kg)
|
Lượng cầu (nghìn tấn)
|
0
|
286
|
1
|
266
|
1.3
|
260
|
2.3
|
240
|
3.3
|
220
|
4.3
|
100
|
Bảng 2.1. Biểu cầu đối với thị lợn Canada
Luật cầu được phát biểu như sau: người tiêu dùng sẽ mua nhiều hàng hoá hoặc dịch vụ hơn nếu như giá của hàng hoá hoặc dịch vụ đó giảm xuống, ceteris paribus.
Theo như luật cầu thì đường cầu là đường dốc xuống về phía bên phải như minh hoạ trên hình 2.1.
Đường cầu cũng minh hoạ tác động của giá tới lượng cầu. Khi giá của thịt lợn giảm xuống từ 3.30$ tới 2.30 $ thì lượng cầu đối với thịt lợn tăng lên từ 220 nghìn tấn đến 240 nghìn tấn. Phản ứng của lượng cầu đối với sự thay đổi của giá được minh hoạ trên đường cầu D1 và các nhà kinh tế gọi đó là sự vận động dọc theo đường cầu.
Nếu chúng ta biết được đường cầu của các cá nhân tiêu dùng riêng biệt thì làm cách nào để xác định tổng cầu của họ? Cầu thị trường là cầu của tất cả những người mua. Tổng lượng cầu tại một mức giá đã cho bằng tổng lượng cầu của tất cả người tiêu dùng tại mức giá đó.
Lưu ý rằng việc cộng các lượng cầu lại với nhau chỉ có nghĩa khi cả hai người tiêu dùng cùng gặp một mức giá.
Ví dụ: Giả sử trên thị trường kem có 2 người mua là A và B với biểu cầu được cho như sau:
P (nghìn đồng) | qA (chiếc) | qB (chiếc) | QD = qA + qB |
1 | 5 | 4 | 9 |
2 | 4 | 4 | 8 |
3 | 3 | 2 | 5 |
4 | 2 | 0 | 2 |
5 | 1 | 0 | 1 |
Trong đó:
QD là lượng cầu thị trường
qA, qB là lần lượt là lượng cầu của A và B
Như vậy lượng cầu của thị trường tại mỗi mức giá bằng tổng lượng cầu của tất cả người mua trên thị trường tại cùng mức giá đó. Trên đồ thị, đường cầu thị trường là tổng theo chiều ngang của tất cả các đường cầu cá nhân.
Hình 2.2. Tổng các đường cầu cá nhân
Thu nhập là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định mua gì và bao nhiêu đối với người tiêu dùng vì thu nhập quyết định khả năng mua của người tiêu dùng.
Đối với đa số hàng hoá và dịch vụ, khi thu nhập tăng lên thì cầu đối với chúng tăng lên và ngược lại. Các hàng hoá đó được gọi là các hàng hoá bình thường. Ví dụ các hàng hoá như lương thực, thực phẩm, Đi du lịch, mua bảo hiểm là hàng hoá bình thường.
Đối với một số hàng hoá và dịch vụ, khi thu nhập tăng lên người tiêu dùng mua ít đi. Các hàng hoá đó có tên gọi là hàng hoá cấp thấp. Ví dụ trong thời bao cấp chúng ta thường phải ăn độn gạo và ngô hoặc khoai. Ngày nay khi thu nhập (mức sống) cao lên việc tiêu dùng ngô, khoai giảm xuống.
Xét ví dụ cầu về thịt lơn. Giả sử rằng thịt lợn là một loại hàng hóa bình thường, hình 2.3 sẽ minh họa rằng khi thu nhập tăng lên, thì lượng cầu thịt lợn đều tăng lên tại mọi mức giá. Trước đây khi giá là 3.3$/kg thì thị trường mua 220 nghìn tấn một năm do thu nhập tăng nên tại mức giá đó thị trường mua 232 tấn một năm. Toàn bộ mối quan hệ giữa giá và lượng thay đổi- cầu thay đổi. Đường cầu thay đổi vị trí chuyển từ D1 sang D2 – ta gọi đó là sự dịch chuyển của đường cầu q
Hình 2.3. Cầu thịt lợn tăng khi thu nhập tăng
Thị hiếu cho biết người tiêu dùng muốn mua loại hàng hóa nào. Tuy nhiên, thị hiếu thường rất khó quan sát và các nhà kinh tế thường giả định là thị hiếu không phụ thuộc vào giá của hàng hoá và thu nhập của người tiêu dùng. Thị hiếu phụ thuộc vào các nhân tố như tập quán tiêu dùng, tâm lý lứa tuổi, giới tính, tôn giáo... Thị hiếu cũng có thể thay đổi theo thời gian và chịu ảnh hưởng lớn của quảng cáo.Ví dụ khi phim Hàn quốc được phát sóng trên truyền hình và được giới trẻ Việt Nam đón nhận nồng nhiệt, họ thay đổi cách ăn mặc, bắt chước các ngôi sao Hàn quốc nên cầu về quần áo thời trang Hàn quốc tăng lên. Trên đồ thị, điều đó sẽ được minh họa bằng sự dịch chuyển của đường cầu sang bên phải.
Khi mua sắm hàng hóa người tiêu dùng còn rất quan tâm đến giá của các hàng hóa liên quan. Vậy các hàng hóa liên quan là gì? Mỗi hàng hoá có hai loại hàng hoá liên quan là hàng hoá thay thế và hàng hoá bổ sung.
Hàng hoá thay thế là những hàng hoá có thể dùng thay cho hàng hoá đang xem xét hoặc có cùng giá trị sử dụng hay thoả mãn cùng nhu cầu ví dụ như chè và cà phê, rau muống và rau cải, nước chanh và nước cam...
Ta thấy thịt lợn và thịt bò là hai hàng hóa thay thế. Tại mức giá thịt lợn đã cho nếu giá thịt bò lại tăng lên từ 4/kg lên 4.60/kg thì một số người tiêu dùng sẽ thay thế thịt bò bằng thịt lợn. Cụ thể, trước đây khi giá thịt bò là 4/kg thì thị trường tiêu thụ 220 tấn thịt lợn mỗi năm, sau khi giá thịt bò tăng lên 4.60/kg, lượng cầu đối với thịt bò sẽ tăng lên 232 tấn/năm.
Tại tất cả mọi mức giá, lượng cầu thịt lợn đều tăng lên. Trên đồ thị hình 2.4 đường cầu mới là đường D2. Đường D2 cho biết tại mọi mức giá thì người tiêu dùng đều mua nhiều thịt lợn hơn so với đường cầu D1.
Hình 2.4. Cầu đối với thịt lợn khi giá thịt bò tăng
Hàng hoá bổ sung là các hàng hoá được sử dụng cùng nhau ví dụ như chè Lipton và chanh, xăng và xe máy... Khi giá chè Lipton giảm xuống người tiêu dùng sẽ mua nhiều chè hơn và do vậy sẽ cầu nhiều chanh hơn – cầu với chanh tăng lên và ngược lại khi giá chè tăng lên, cầu với chanh sẽ giảm xuống. Hình 2.5 minh họa sự thay đổi của cầu đối với chanh khi giá chè Lipton giảm. Đường cầu đối với chanh dịch chuyển về phía bên phải – từ D1 sang D2 - cầu chanh tăng.
Hình 2.5. Cầu đối với chanh khi giá chè Lipton giảm
Số lượng người tiêu dùng hay quy mô thị trường là một trong những nhân tố quan trọng xác định lượng tiêu dùng tiềm năng. Thị trường càng nhiều người tiêu dùng thì cầu tiềm năng sẽ càng lớn.
Ví dụ: nếu chúng ta so sánh thị trường gạo của Trung Quốc với Việt Nam. Rõ ràng với hơn 1,35 tỷ dân Trung Quốc sẽ cầu nhiều gạo hơn Việt Nam với chỉ hơn 85 triệu dân. Trên hình 2.6 đường cầu D1 là đường cầu đối với gạo của Việt Nam và đường cầu D2 là đường cầu của Trung Quốc.
Hình 2.6. Đường cầu đối với gạo của Việt Nam và Trung Quốc
Khi mua sắm hàng hóa, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến các yếu tố như trình bày ở phần trên. Các kỳ vọng cũng chi phối rất nhiều quyết định mua sắm của họ.
Ví dụ: nếu bạn kỳ vọng rằng giá hàng hóa bạn định mua sẽ giảm mạnh trong thời gian tới, tất nhiên bạn sẽ cân nhắc việc dừng mua tại thời điểm hiện tại – có nghĩa là cầu giảm. Hoặc nếu bạn kỳ vọng rằng thu nhập của bạn sẽ tăng cao trong thời gian tới (do ký được hợp đồng, do được thăng tiến...) bạn có thể tiêu dùng nhiều hơn trong hiện tại – cầu của bạn tăng. Thực tiễn thời gian qua khi chính phủ dự định cho nhập khẩu xe ô tô cũ cho thấy là rất nhiều người tiêu dùng kỳ vọng và “chờ đợi” để mua ô tô với giá rẻ và cầu đối với ô tô sản xuất trong nước tạm thời giảm xuống.
Kết luận: Sự thay đổi của giá bản thân hàng hóa gây ra sự vân động dọc đường cầu. Sự thay đổi của bất cứ yếu tố nào khác giá của hàng hoá đó sẽ gây ra sự dịch chuyển của đường cầu. Khi đường cầu dịch chuyển sang bên phải, chúng ta gọi là cầu tăng và khi cầu dịch sang bên trái, chúng ta gọi là cầu giảm.
Cầu đối với hàng hóa phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chúng ta có thể biểu diễn mối quan hệ giữa lượng cầu đối với hàng hoá và các yếu tố ảnh hưởng dưới dạng hàm số tổng quát sau:
Qdx=f(Px,Py,Pz,I,N...) (2.1)
Trong đó
- Qdx lượng cầu đối với hàng hoá X,
- Px giá của hàng hoá X,
- Py giá của hàng hoá Y,
- Pz giá của hàng hoá Z,
- I thu nhập của người tiêu dùng,
- N số lượng người tiêu dùng.
Hiểu được người tiêu dùng muốn mua bao nhiêu hàng hoá là một điều rất quan trọng nhưng vẫn chưa đủ để biết được giá và sản lượng hàng hoá đó trên thị trường là bao nhiêu. Để trả lời được vấn đề đó, chúng ta còn cần phải hiểu người sản xuất hay các hãng muốn bán bao nhiêu hàng hoá. Hành vi của các hãng được giải thích qua khái niệm kinh tế là cung.
Cung là số lượng hàng hoá hoặc dịch vụ mà người sản xuất muốn bán và có khả năng bán ở các mức giá khác nhau trong khoảng thời gian nhất định, ceteris paribus.
Cũng giống như trong khái niệm cầu, cung bao gồm cả hai yếu tố đó là sự muốn bán và khả năng bán của nhà sản xuất. Ý muốn bán thường gắn với lợi nhuận có thể thu được còn khả năng bán lại phụ thuộc vào năng lực sản xuất của hãng.
Lượng cung là số lượng hàng hoá mà hãng muốn bán và có thể bán tại một mức giá đã cho với các yếu tố khác không đổi, ceteris paribus.
Chúng ta có thể thấy là cung biểu diễn mối quan hệ giữa giá và lượng cung, ceteris paribus. Khi chúng ta biểu diễn mối quan hệ này trên đồ thị, chúng ta sẽ có đường cung. Hình 2.7 minh hoạ đường cung S1 đối với thịt lợn ở Canada. Đường cung này là một đường thẳng nhưng các đường cung khác có thể có hình dạng khác. Cũng như đối với đường cầu, trục tung biểu diễn giá còn trục hoành biểu diễn sản lượng. Như vậy đường cung giúp chúng ta trả lời câu hỏi các hãng sẽ bán bao nhiêu hàng hoá ở các mức giá khác nhau.
Hình 2.7. Đường cung thịt lợn S1 tại Canada
Chúng ta minh hoạ tác động của giá tới lượng cung trên đồ thị đường cung hình 2.7. Như đã trình bày ở trên, đường cung thịt lợn tại Canada là một đường thẳng dốc lên trên. Khi giá thịt lợn tăng lên, các hãng cung cấp nhiều thịt lợn hơn. Nếu giá là 3,30/kg lượng cung trên thị trường là 220 nghìn tấn. Nếu giá tăng lên 5,30/kg lượng cung sẽ tăng lên 300 nghìn tấn. Sự thay đổi của giá thịt lợn gây ra sự vận động dọc theo đường cung.
Mặc dù luật cầu đòi hỏi rằng đường cầu dốc xuống, song luật cung không đòi hỏi đường cung phải có một hình dạng nhất định. Đường cung thị trường có thể là đường dốc lên, thẳng đứng, nằm ngang hay dốc xuống2 . Trong ngắn hạn, hầu hết đường cung dốc lên như đường cung thịt lợn trong ví dụ của chúng ta. Đối với các đường cung này, khi giá cao hơn các hãng muốn bán nhiều hơn, ceteris paribus.
Đường cung thị trường cho biết tổng số hàng hoá được cung bởi tất cả các hãng tại các mức giá khác nhau. Tương tự như phần xác định đường cầu của thị trường, đường cung thị trường là tổng số của tất cả các đường cung cá nhân. Trong phần này chúng ta sẽ minh hoạ sự tổng hợp đường cung bằng đồ thị.
Giả sử có hai hãng cung cấp hàng hoá với hai đường cung tương ứng là Sd và Sf. Đường tổng cung St là tổng theo chiều ngang của hai đường Sd và Sf. Để tính lượng tổng cung, chúng ta cộng lượng cung cá nhân theo mỗi mức giá. Ví dụ, tại mức giá P1 lượng tổng cung bằng Qd1 + Qf1. Tại mức giá P2, lượng tổng cung sẽ là Qd2+Qf2. Hình 2.8 minh họa rất rõ cách xác định đường tổng cung.
Hình 2.8. Tổng cộng các đường cung
Công nghệ có ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng hàng hoá được sản xuất ra. Công nghệ tiên tiến sẽ làm tăng năng suất và do đó nhiều hàng hoá hơn được sản xuất ra. Hãy xem xét một ví dụ cụ thể về sản xuất rượu theo phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại. Để sản xuất rượu theo công nghệ truyền thống, ta thấy giai đoạn lên men rất dài vì phụ thuộc vào nhân tố khách quan như nhiệt độ môi trường, do đó hạn chế số lượng rượu sản xuất ra chưa kể là chất lượng không ổn định. Theo phương pháp hiện đại sử dụng công nghệ vi sinh tiên tiến, một môi trường thuận lợi nhất được tạo ra đối với quá trình lên men đảm bảo không chỉ tính ổn định về chất lượng mà còn tăng sản lượng trong thời gian ngắn hơn. Chúng ta minh họa điều này qua hình 2.9. Với công nghệ hiện đại, đường cung sẽ là S2 so với S1 công nghệ truyền thống, thủ công.
Hình 2.9. Cung rượu với hai công nghệ sản xuất
Số lượng người sản xuất có ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng hàng hoá được bán ra trên thị trường. Càng nhiều người sản xuất thì lượng hàng hoá càng nhiều, đường cung dịch chuyển sang bên phải. Ngược lại, nếu ít người sản xuất đường cung dịch chuyển sang bên trái.
Giá yếu tố đầu vào tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và do đó ảnh hưởng đến lượng hàng hoá mà các hãng muốn bán. Nếu như giá của các yếu tố đầu vào giảm, chi phí sản xuất sẽ giảm, lợi nhuận sẽ lớn và do đó hãng sẽ muốn cung nhiều hàng hóa hơn. Khi giá đầu vào tăng lên, chi phí sản xuất tăng, khả năng thu lợi nhuận giảm do đó hãng cung ít sản phẩm hơn. Trong ví dụ của chúng ta về thị trường thịt lợn của Canada khi giá của thức ăn cho lợn tăng lên từ 1,50/kg đến 1,75/kg thì đường cung sẽ dịch chuyển sang bên trái từ S1 đến S2 như minh hoạ trên hình 2.10
Hình 2.10. Cung giảm khi giá đầu vào tăng
2.2.4.4. Chính sách thuế
Nhà nước sử dụng thuế như công cụ điều tiết sản xuất. Đối với các hãng thì thuế là chi phí do vậy khi chính phủ giảm thuế, miễn thuế hoặc trợ cấp có thể khuyến khích sản xuất làm tăng cung. Ngược lại, nếu chính phủ đánh thuế sẽ hạn chế sản xuất và làm giảm cung. Hình 2.11 minh họa tác động của thuế làm dịch chuyển đường cung về bên trái từ S1 đến S2.
Hình 2.11. Thuế làm dịch chuyển cung về bên trái
2.2.4.5. Các kỳ vọng.
Cũng giống như người tiêu dùng, các nhà sản xuất cũng đưa ra quyết định cung cấp của mình dựa vào các kỳ vọng. Ví dụ, nếu các nhà sản xuất kỳ vọng thời gian tới giá hàng hóa sẽ giảm vì chính phủ sẽ mở cửa thị trường đối với các nhà sản xuất nước ngoài – các nhà sản xuất có khả năng cạnh tranh mạnh hơn, họ phải cố gắng sản xuất để tăng cung hiện tại.
Như vậy khi phân tích tác động của một yếu tố nào đó đến lượng cung, chúng ta phải phân biệt sự vận động dọc theo đường cung và sự dịch chuyển của đường cung. Sự thay đổi giá của một hàng hóa gây ra sự vận động dọc theo đường cung đối với hàng hóa đó, còn sự thay đổi của bất cứ yếu tố nào ngoài giá của hàng hoá đó như công nghệ, giá yếu tố đầu vào, chi phí, chính sách thuế sẽ gây ra sự dịch chuyển của đường cung.
Chúng ta có thể biểu diễn mối quan hệ giữa lượng cung và yếu tố khác dưới dạng tổng quát sau:
Qsx = f(Px, Py, Pz, Nsx,...) (2.2)
Trong đó
- Qsx là lượng cung hàng hoá X;
- Px là giá của X;
- Py là giá của Y;
- Pz là giá của Z;
- Nsx là số lượng người sản xuất.
Thị trường là nơi gặp gỡ của cung và cầu. Thị trường gồm hai lực lượng là người bán (phía cung) và người mua (phía cầu). Sự tác động qua lại tự do giữa hai lực lượng này hình thành nên giá và lượng cân bằng đối với hàng hóa.
Cân bằng thị trường là một trạng thái tại đó không có sức ép làm thay đổi giá và sản lượng. Hay nói cách khác đó là trạng thái lượng cung bằng lượng cầu tại một mức giá nhất định
Đường cầu cho biết lượng hàng hoá mà người tiêu dùng muốn mua tại các mức giá khác nhau và đường cung cho biết số lượng hàng hoá mà các hãng muốn bán tại các mức giá khác nhau. Khi tất cả mọi người tham gia vào thị trường có thể mua hoặc bán một lượng bất kỳ mà họ mong muốn, chúng ta nói rằng thị trường trong trạng thái cân bằng: đó là trạng thái mà cả người mua và người bán đều không thích thay đổi hành vi của họ. Mức giá mà người mua muốn mua và người bán muốn bán theo ý của họ được gọi là mức giá cân bằng. Sản lượng được mua và bán tại mức giá cân bằng gọi là lượng cân bằng.
Thị trường có khả năng tự điều chỉnh để đạt được trạng thái cân bằng. Nếu giá khác với mức giá cân bằng thì người tiêu dùng và hãng sẽ có động cơ để thay đổi hành vi của họ để đưa giá quay trở lại trạng thái cân bằng. Có thể minh hoạ điều này ở hình 2.12 về sự điều chỉnh của thị trường thịt lợn ở Canada.
Khi giá là 2.65/kg, các hãng chỉ muốn bán 194 nghìn tấn mỗi năm trong khi người tiêu dùng lại muốn mua 233 nghìn tấn. Tại mức giá này lượng cầu lớn hơn lượng cung, trên thị trường có hiện tượng dư cầu hay còn gọi là hiện tượng thiếu hụt hàng hóa, lượng thiếu hụt là 39 nghìn tấn (233-194) mỗi năm. Một số người tiêu dùng may mắn sẽ mua được thịt lợn với giá 2,65/kg. Nhưng nhiều người tiêu dùng khác không thể tìm được người bán với giá đó. Một vài người trong số họ có thể sẵn sàng trả mức giá cao hơn là 2.65/kg. Những người bán nhận ra những người tiêu dùng này và họ có thể sẽ nâng giá lên. Những hành động như vậy của người mua và người bán sẽ làm cho giá thị trường tăng lên. Khi giá thị trường tăng lên theo luật cầu thì lượng cầu giảm đi trong khi lượng cung lại tăng lên. Sức ép tăng giá này sẽ tiếp tục cho tới khi không còn tình trạng thiếu hụt- tức là lượng cung bằng lượng cầu ở mức giá 3.3/kg.
Hình 2.12. Điều chỉnh của thị trường
Ngược lại, khi giá là 3,95/kg thì người bán sẽ muốn bán 246 nghìn tấn mỗi năm nhưng người mua chỉ muốn mua 207 nghìn tấn như minh hoạ trên hình 2.12. Lúc này tại mức giá 3.95, lượng cung lại lớn hơn lượng cầu, tồn tại dư cung hay còn gọi là dư thừa hàng hoá. Trong trường hợp này không phải là tất cả các hãng đều bán được lượng hàng như hãng mong muốn, các hãng sẽ giảm giá bán để thu hút thêm khách hàng, khi giá giảm, lợi nhuận của hãng giảm xuống, hãng sẽ muốn cung ít hàng hóa hơn và do đó lượng cung giảm. Trong khi đó, theo luật cầu, khi giá hàng hóa giảm, người tiêu dùng muốn mua nhiều hàng hóa hơn, lượng cầu giảm, Sức ép giảm giá này sẽ tiếp tục cho tới khi không còn tình trạng dư thừa- tức là lượng cung bằng lượng cầu ở mức giá 3.3/kg.
Tóm lại, Hiện tượng dư thừa hoặc thiếu hụt tạo ra sức ép thay đổi giá cả hàng hóa và thị trường luôn có xu hướng thay đổi giá để đạt được mức giá cân bằng khi không còn dư thừa hoặc thiếu hụt.
Để xác định trạng thái cân bằng của thị trường bằng đồ thị cung cầu, chúng ta quay trở lại ví dụ về thị trường thịt lợn tại Canada. Hình 2.13 minh hoạ các đường cung và cầu thịt lợn tại Canada. Các đường này cắt nhau tại điểm E, đó là trạng thái cân bằng thị trường với giá cân bằng là 3.30/kg và lượng cân bằng là 220 nghìn tấn/năm.
Hình 2.13. Cân bằng thị trường
2.3.3.2. Xác định cân bằng thị trường bằng toán học
Chúng ta cũng có thể xác định cân bằng thị trường bằng công cụ toán học nhờ việc sử dụng các phương trình cung cầu. Nhớ lại phương trình cầu đối với thịt lợn cho biết mối quan hệ giữa lượng cầu QD và giá P là QD =286 - 20P
Phương trình biểu diễn mối quan hệ giữa lượng cung QSvà giá P là QS = 88 + 40P
Chúng ta sẽ tìm được giá Pe tại đó Qs=Qd=Qe. Dễ dàng giải phương trình và thu được giá cân bằng Pe=3.30/kg và lượng cân bằng Qe=220 nghìn tấn/năm.
Cân bằng thị trường không phải là một trạng thái vĩnh cửu mà nó có thể thay đổi khi các yếu tố của cung và cầu thay đổi. Các yếu tố đó thay đổi sẽ làm dịch chuyển đường cung và đường cầu. Kết quả là các trạng thái cân bằng mới được thiết lập. Chúng ta quay trở lại ví dụ về thị trường thịt lợn tại Canada và xem xét các tình huống cụ thể sau đây:
Giả sử giá thịt bò tăng lên 60 cent/kg lúc đó người tiêu dùng sẽ tiêu dùng nhiều thịt lợn hơn vì thịt lợn là hàng hoá thay thế cho thịt bò. Kết quả là đường cầu đối với thịt lợn dịch chuyển từ D1 đến D2 như minh hoạ trên hình 2.14.
Hình 2.14. Tác động của sự dịch chuyển của đường cầu
Tại mức giá cân bằng ban đầu của thịt lợn là 3.30/kg, bây giờ người tiêu dùng muốn mua 232 nghìn tấn thịt lợn mỗi năm. Tuy nhiên tại mức giá này,vì đường cung không đổi nên các hãng sản xuất vẫn chỉ muốn bán 220 nghìn tấn. Kết quả là lượng cầu dư ra 12 nghìn tấn mỗi năm. Sự thiếu hụt hàng hóa tao ra sức ép tăng giá. Giá tăng lên cho đến khi không còn tình trạng thiếu hụt, thị trường đạt được mức cân bằng mới là 3,50/kg. Tại mức giá đó các hãng muốn bán 228 nghìn tấn và người tiêu dùng muốn mua 228 nghìn tấn. Kết quả khi cung không đổi, của sự tăng cầu làm giá và sản lượng cân bằng đều tăng.
Bây giờ giả sử giá của thức ăn cho lợn lại tăng lên 25cent/kg. Việc chăn nuôi lợn trở lên đắt hơn vì giá của thức ăn (đầu vào) đã tăng lên.. Tại mọi mức giá, các hãng bây giờ đều muốn cung ít hơn so với trước kia khi giá thức ăn chưa tăng. Kết quả là đường cung thịt lợn dịch chuyển lên trên từ S1 đến S2 như minh hoạ trên hình 2.15
Tại mức giá cân bằng ban đầu của thịt lợn là 3,30/kg người tiêu dùng vẫn muốn mua 220 nghìn tấn mỗi năm, nhưng các hãng chỉ muốn cung một lượng là 205 nghìn tấn. Như vậy, lượng cầu dư sẽ là 15 nghìn tấn. Sự thiếu hụt hàng hóa tạo sức ép tăng giá. Giá tăng đến khi không còn thiếu hụt, thị trường đạt đến trạng thái cân bằng mới là 3,55/kg và sản lượng cân bằng sẽ là 215 nghìn tấn. Tóm lại,khi cầu không đổi và cung giảm thì làm giá cân bằng tăng là lượng cân bằng giảm.
Hình 2.15. Tác động của sự dịch chuyển đường cung
Chúng ta vừa xem xét tác động của sự dịch chuyển của đường cầu và đường cung riêng biệt. Tuy nhiên, cả hai đường đó đều có thể thay đổi vì các nhân tố ảnh hưởng đến cung và cầu luôn luôn biến đổi. Tuy nhiên, việc xác định lượng cân bằng trở nên khó khăn hơn khi sự thay đổi của giá cân bằng và lượng cân bằng còn phụ thuộc vào mức độ tăng(giảm) của cầu và cung.
Ta xét một trường hợp đó là khi cung giảm và cầu tăng
Hình 2.16. Khi cung giảm và cầu tăng
Như nghiên cứu ở phần trước, cầu tăng làm cho giá cân bằng và lượng cân bằng đều tăng, cung giảm làm cho giá cân bằng tăng còn lượng cân bằng sẽ giảm. Như vậy trong trường hợp cung giảm, cầu tăng ta chỉ có thể kết luận rằng giá cân bằng sẽ tăng,còn không thể kết luận được về chiều hướng thay đổi của lượng cân bằng. Nếu mức độ tăng của cầu lớn hơn mức độ giảm của cung thì lượng cân bằng tăng lên, ngược lại nếu mức độ giảm của cung tăng lớn hơn mức độ tăng của cầu thì lượng cân bằng giảm và nếu mức độ giảm cung ngang bằng với mức độ giảm cầu thì lượng cân bằng không thay đổi.
Các chính sách của chính phủ có thể gây ra sự dịch chuyển của đường cung hoặc đường cầu. Ở đây chúng ta sẽ xem xét một trường hợp trong đó chính sách của chính phủ làm dịch chuyển đường cung
Chính sách thuế
Chính phủ có thể làm thay đổi cân bằng của thị trường bằng việc đánh thuế hàng hóa. Hình 2.17 sẽ minh họa tác động của thuế đánh vào hàng hóa. Nếu thuế bằng t trên 1 đơn vị sản phẩm thì đường cung có thuế St sẽ dịch chuyển lên trên so với đường cung S1 ban đầu một lượng là t. Giá cân bằng sẽ tăng lên từ P1 đến P2 và lượng cân bằng sẽ giảm từ Q1 xuống Q2. Các nhà hoạch định chính sách rất quan tâm tới ảnh hưởng của thuế đến người mua và người bán.
Hình 2.17 cho chúng ta thấy phần giá hàng hoá tăng lên (P2-P1) sẽ do người tiêu dùng chịu. Họ phải trả giá P2 cho mỗi đơn vị hàng hóa họ mua. Người sản xuất (người bán) chịu phần còn lại [t – (P2 – P1)] và thực tế họ chỉ nhận được một lượng P3 cho mỗi đơn vị hàng hóa bán ra. Có thể nhận thấy sự thay đổi của giá nhiều hay ít khi có thuế và ai là người chịu nhiều thuế hơn phụ thuộc vào hình dạng của đường cung và đường cầu. Chúng ta sẽ nghiên cứu cụ thể ở các chương sau.
Hình 2.17. Tác động của thuế
Chính phủ có thể tác động vào thị trường thông qua các chính sách can thiệp trực tiếp vào giá làm cho lượng cung và lượng cầu khác nhau. Chúng ta sẽ xem xét các trường hợp đặt giá trần và giá sàn của chính phủ.
Giá trần là mức giá cao nhất đối với một mặt hàng nào đó do chính phủ ấn định. Các hãng sản xuất không được bán hàng hóa với giá cao hơn mức giá trần đó. Như vậy, có thể thấy là mục tiêu của chính phủ khi đặt giá trần là bảo vệ người tiêu dùng. Và để mức giá trần phát huy được tác dụng thì nó luôn phải thấp hơn mức giá cân bằng do thị trường xác định.
Giả sử chính phủ áp dụng giá trần là Pc (hình 2.18). Tại mức giá Pc, lượng cầu( QD ) là Q1 và lượng cung( Qs) là Q2. Ta thấy rằng Q1 > Q2 , thị trường xảy ra hiện tượng thiếu hụt.
Hình 2.18. Giá trần
2.4.2.2. Giá sàn
Giá sàn là mức giá thấp nhất đối với một hàng hoá hoặc dịch vụ cụ thể nào đó do chính phủ quy định. Ví dụ, khi được mùa giá nông sản thường giảm rất mạnh và người nông dân thậm chí bị lỗ. Chính phủ quy định giá sàn – mức giá tối thiểu mà các doanh nghiệp phải mua nông sản cho người nông dân hay như chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động.
Như vậy, mục tiêu của giá sàn là bảo vệ người bán. Để chính sách này phát huy tác dụng thì giá sàn luôn phải được đặt cao hơn mức giá cân bằng do thị trường tự xác định.
Giả sử chính phủ đặt giá sàn là Pf (hình 2.19). Tại mức giá Pf, QD = Q2 , Qs = Q1. Ta thấy rằng Q2 < Q1 hay , QD < Qs , thị trường xảy ra hiện tượng dư thừa.
Hình 2.19. Giá sàn
Cầu: Số lượng hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng muốn mua và có khả năng mua ở các mức giá khác nhau trong khoảng thời gian nhất định, ceteris paribus. Cầu phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác nữa như thu nhập, thị hiếu, dân số, giá hàng hóa liên quan và kỳ vọng. Nếu các điều kiện khác không thay đổi, khi giá hàng hóa tăng lên, lượng cầu đối với hàng hóa giảm xuống. Sự thay đổi giá bản thân hàng hóa gây ra sự vận động dọc theo đường cầu. Sự thay đổi các nhân tố khác giá làm cho đường cầu dịch chuyển. Đường cầu thị trường là tổng của các đường cầu cá nhân theo chiều ngang.
Cung: Số lượng hàng hoá hoặc dịch vụ mà người sản xuất muốn bán và có khả năng bán ở các mức giá khác nhau trong khoảng thời gian nhất định, ceteris paribus. Cung phụ thuộc vào các yếu tố khác như công nghệ sản xuất, giá yếu tố đầu vào, số lượng người sản xuất, chính sách thuế và các kỳ vọng. Nếu các điều kiện khác không thay đổi, giá hàng hóa tăng lên thì lượng cung tăng lên. Sự thay đổi giá bản thân hàng hóa gây ra sự vận động dọc theo đường cung. Sự thay đổi các nhân tố khác giá làm dịch chuyển đường cung. Đường cung thị trường là tổng các đường cung cá nhân theo chiều ngang.
Cân bằng thị trường: Sự tương tác của cung và cầu xác định giá và lượng cân bằng trên thị trường. Tại mức giá cao hơn giá cân bằng sẽ xuất hiện dư thừa hàng hóa, giá sẽ có xu hướng giảm xuống. Tại mức giá thấp hơn giá cân bằng sẽ xuất hiện thiếu hụt hàng hóa, giá sẽ tăng.
Sự thay đổi trạng thái cân bằng: Một sự thay đổi của yếu tố không phải là giá của hàng hóa sẽ làm cho đường cung hoặc đường cầu dịch chuyển. Một trạng thái cân bằng mới sẽ được thiết lập.
Sự can thiệp của chính phủ: Chính phủ có thể làm thay đổi trạng thái cân bằng của thị trường bằng cách can thiệp vào thị trường làm thay đổi đường cung hoặc đường cầu. Chính phủ đặt giá trần hoặc giá sàn sẽ làm xuất hiện dư thừa hoặc thiếu hụt hàng hóa.
Điều kiện áp dụng mô hình cung cầu: Mô hình cung cầu là một công cụ rất mạnh để hiểu biết và giải thích các thay đổi trên thị trường khi các nhân tố thay đổi. Tuy nhiên, mô hình này thích hợp với điều kiện thị trường cạnh tranh hoàn hảo trong đó rất nhiều người mua và người bán, sản phẩm giống nhau, thị trường có thông tin hoàn hảo và chi phí giao dịch thấp.
Trên đây là nội dung kiến thức chương 2: "Lý thuyết cung - cầu" môn Kinh tế vi mô đầy đủ và chính xác nhất. Hi vọng bài viết này cung cấp đến bạn nhiều thông tin hữu ích trong quá trình học môn học này. Mọi thắc mắc bạn gửi về page: Onthisinhvien.com để được giải đáp sớm nhất và subscribe kênh youtube Ôn thi sinh viên để xem các bài giảng Kinh tế vi mô miễn phí TẠI ĐÂY
Bài viết liên quan có thể bạn sẽ cần: