Trong lịch sử xã hội loài người, Nhà nước xã hội chủ nghĩa ra đời sau Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917, nó đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Vậy sự ra đời, bản chất, chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa có những đặc điểm gì? Hãy cùng Ôn thi sinh viên tìm hiểu về nội dung này nhé!
1. Sự ra đời, bản chất, chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa
- Khái niệm: Nhà nước xã hội chủ nghĩa là tổ chức chính trị mà thông qua đó Đảng của giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo cùng với quần chúng nhân dân lao động xây dựng chế độ xã hội công bằng dân chủ văn minh. Là tổ chức chính trị thuộc kiến trúc thượng tầng xây dựng trên cơ sở hạ tầng của xã hội xã hội chủ nghĩa.
- Sự ra đời: Nhà nước xã hội chủ nghĩa ra đời là kết quả của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, tùy theo đặc điểm, điều kiện của quốc gia, sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng như việc tổ chức chính quyền có những đặc điểm, hình thức và phương pháp phù hợp. Song, hai nhân tố chính quyết định đến sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa là về kinh tế: xuất hiện chế độ công hữu về TLSX cùng với việc giải quyết lợi ích kinh tế tương đối bình đẳng giữa các giai tầng trong XH; về yếu tố xã hội, nhà nước xã hội chủ nghĩa ra đời để đưa nhân dân lao động lên địa vị làm chủ trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội, nhà nước xã hội chủ nghĩa thực hiện quyền lực của nhân dân, cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
- Bản chất:
+ Về mặt chính trị: nhà nước xã hội chủ nghĩa mang bản chất của giai cấp công nhân, giai cấp mà có lợi ích phù hợp với lợi ích chung của quần chúng nhân dân lao động. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, giai cấp vô sản là lực lượng giữ địa vị thống trị về chính trị. Đó là sự thống trị của đa số đối với thiểu số giai cấp bị bóc lột nhằm giải phóng giai cấp mình và giải phóng tất cả nhân dân lao động trong xã hội. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là công cụ để thực hiện quyền lực của nhân dân lao động, thể hiện ý chí, quyền lực và nguyện vọng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
+ Về mặt kinh tế: bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa chịu sự quy định của cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa là chế độ sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất chủ yếu. Do đó không còn tồn tại quan hệ sản xuất bóc lột (chế độ tư hữu về TLSX). Việc chăm lo cho lợi ích của đại đa số nhân dân lao động trở thành mục tiêu hàng đầu của nhà nước CNXH.
+ Văn hóa - xã hội: nhà nước xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên nền tảng tinh thần là lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin và những giá trị văn hóa tiên tiến, tiến bộ của nhân loại, đồng thời mang những bản sắc riêng của dân tộc. Sự phân hóa giữa các giai cấp, tầng lớp từng
bước được thu hẹp, các giai cấp tầng lớp bình đẳng trong xã hội.
- Chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa:
+ Căn cứ vào phạm vi tác động của quyền lực nhà nước, chức năng của nhà nước được chia thành chức năng đối nội và chức năng đối ngoại.
+ Căn cứ vào lĩnh vực tác động, chức năng nhà nước được chia thành chức năng kinh tế, chức năng chính trị, chức năng văn hóa – xã hội.
+ Căn cứ vào tính chất của quyền lực nhà nước: chức năng chính trị (chức năng trấn áp) và chức năng xã hội (tổ chức và xây dựng).
2. Xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam
- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa đã nêu ra những nội dung khái quát liên quan đến nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đó là nhà nước mà tất cả công dân được giáo dục pháp luật và phải hiểu biết pháp luật, tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, pháp luật phải đảm bảo tính nghiêm minh. Trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phải có sự phân công, phối hợp lẫn nhau.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta năm 1991 đã nêu ra những nội dung khái quát liên quan đến nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có những đặc điểm sau:
1. Xây dựng nhà nước do nhân dân lao động làm chủ, là nhà nước của dân, do dân, vì dân 2. Nhà nước được xây dựng dựa trên cơ sở của hiến pháp và pháp luật; trong đó pháp luật được đặt ở vị trí tối thượng để điều chỉnh các QHXH
3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rõ ràng, có sự phối hợp nhịp nhàng và kiểm soát giữa các cơ quan: LP - HP-TP
4. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở VN do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo
5. Tôn trọng quyền con người, coi con người là chủ thể, là trung tâm của sự phát triển 6. Tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau.
Nhận thức của Đảng ta về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiếp tục được làm sáng rõ tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ (tháng 1/1994), Đảng ta đã sử dụng khái niệm “nhà nước pháp quyền”, Đảng tiếp tục bổ sung tư tưởng về nhà nước pháp quyền thông qua các kỳ đại hội. Để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh là vô cùng quan trọng. Đảng đã đưa ra được những phương pháp sau đây để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay:
1. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng
2. Cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước
3. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực
4. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hành tiết kiệm