Mối liên hệ là gì? Phân tích nguyên lí mối liên hệ phổ biến và ý nghĩa phương pháp luận

Ngày: 12/01/2024
Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến là nguyên tắc lý luận xem xét sự vật, hiện tượng khách quan tồn tại trong mối liên hệ, ràng buộc lẫn nhau tác động, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các mặt của chúng trong thế giới. Hãy cùng Ôn thi sinh viên tìm hiểu trong bài viết này!
 

1. Khái niệm "Mối liên hệ"

- Đây là khái niệm dùng để chỉ sự quy định, sự tác động và chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các mặt, các yếu tố của mỗi sự vật, hiện tượng trong thế giới
Ví dụ: Gió thổi mây bay; nước chảy đá mòn; cha mẹ quát mắng con cái dẫn đến những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến con cái…
- “Mối liên hệ phổ biến”: là khái niệm dùng để chỉ tính phổ biến của các mối liên hệ của các sự vật, hiện tượng của thế giới, đồng thời cũng là dùng để chỉ các mối liên hệ tồn tại ở nhiều sự vật, hiện tượng của thế giới. Trong đó những mối liên hệ phổ biến nhất là những mối liên hệ tồn tại ở mọi sự vật, hiện tượng của thế giới, nó thuộc đối tượng nghiên cứu của phép biện chứng
=> Từ khái niệm trên, quan niệm siêu hình và quan điểm biện chứng đã giải quyết như sau:
- Quan điểm siêu hình: các sự vật, hiện tượng trong thế giới tồn tại độc lập, tách rời nhau, cái này bên cạnh cái kia; giữa chúng không có sự liên hệ ràng buộc, quy định, chuyển hóa lẫn nhau hoặc nếu có thì chỉ là mối liên hệ mang tính ngẫu nhiên, bề ngoài.  

- Chủ nghĩa duy vật biện chứng: các sự vật, hiện tượng trong thế giới tồn tại trong sự liên hệ, tác động qua lại, quy định, chuyển hóa lẫn nhau, không tách rời nhau. Cơ sở của mối liên hệ phổ biến chính là tính thống nhất vật chất của thế giới. Đây là nội dung của nguyên lý về mối liên hệ phổ biến.

2. Các tính chất của mối liên hệ phổ biến

a) Tính khách quan
- Khái niệm: Theo quan điểm biện chứng duy vật, các mối liên hệ của các sự vật, hiện tượng của thế giới là có tính khách quan. Theo quan điểm đó, sự quy định, tác động và làm chuyển hóa lẫn nhau của các sự vật, hiện tượng (hoặc trong bản thân chúng) là cái vốn có của nó, tồn tại độc lập không phụ thuộc vào ý chí của con người; con người chỉ có thể nhận thức và vận dụng các mối liên hệ đó trong hoạt động thực tiễn của mình.
- Ví dụ: Các cơ quan trong cơ thể con người có sự liên hệ, tác động lẫn nhau khi ta chạy bộ, trong cơ thể ta sẽ diễn ra quá trình của Hệ vận động -> Hệ tuần hoàn -> Hệ hô hấp -> Hệ bài tiết -> Hệ tiêu hóa -> Hệ thần kinh…
b) Tính phổ biến
- Khái niệm: Cụ thể theo quan điểm biện chứng thì không có bất cứ sự vật, hiện tượng hay quá trình nào tồn tại tuyệt đối biệt lập với các sự vật, hiện tượng hay quá trình khác. Đồng thời, cũng không có bất cứ sự vật, hiện tượng nào không phải là một cấu trúc hệ thống, bao gồm những yếu tố cấu thành với những mối liên hệ bên trong của nó, tức là bất cứ một tồn tại nào cũng là một hệ thống, hơn nữa là hệ thống mở, tồn tại trong mối liên hệ với hệ thống khác, tương tác và làm biến đổi lẫn nhau.
- Ví dụ 1: Sắc tố của da như có người da đen, có người da trắng do nhiều yếu tố như gen, môi trường sống, vv…
- Ví dụ 2: Dịch covid 19 đã gây ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội như nền kinh tế giảm sút do phải đóng cửa, sức khỏe con người bị đe dọa,…

c) Tính đa dạng, phong phú
- Quan điểm biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ khẳng định tính khách quan, tính phổ biến của các mối liên hệ mà còn nhấn mạnh tính phong phú, đa dạng của các mối liên hệ.
- Tính đa dạng, phong phú của các mối liên hệ được thể hiện ở chỗ: các sự vật, hiện tượng hay quá trình khác nhau đều có những mối liên hệ cụ thể khác nhau, giữ vị trí, vai trò khác nhau đối với sự tồn tại và phát triển của nó; mặt khác, cùng một mối liên hệ nhất định của sự vật, hiện tượng nhưng trong những điều kiện cụ thể khác nhau, ở những giai đoạn khác nhau trong quá trình vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng thì cũng có những tính chất và vai trò khác nhau

=> Như vậy, không thể đồng nhất tính chất và vị trí, vai trò cụ thể của các mối liên hệ khác nhau đối với mỗi sự vật, hiện tượng nhất định, trong những điều kiện xác định. Đó là các mối liên hệ bên trong và bên ngoài, mối liên hệ bản chất và hiện tượng, mối liên hệ chủ yếu và thứ yếu, mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp,của mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới.
- Ví dụ: Quan hệ giữa hai đất nước Mỹ và Việt Nam, trong quá khứ lịch sử, hai nước là kẻ thù của nhau với rất nhiều cuộc chiến tranh lớn, căng thẳng, nhưng hiện tại trong thời đại hòa bình ngày nay, hai nước lại trở thành bạn bè/đối tác. Như vậy cho ta thấy rõ được trong những điều kiện cụ thể khác nhau, thì quá trình phát triển mối quan hệ giữa hai nước đã có sự thay đổi qua từng giai đoạn.

3. Ý nghĩa phương pháp luận

- Trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn, con người phải tôn trọng quan điểm toàn diện.
- Khi nhận thức một đối tượng , cần đặt nó trong chỉnh thể thống nhất của tất cả các mặt yếu tố, các bộ phận cấu thành và các mối liên hệ của chỉnh thể đó.
- Khi nhận thức một đối tượng cần phải rút ra được những mối liên hệ bản chất tất yếu của đối tượng đó và nhận thức chúng trong sự thống nhất nội tại.
- Khi nhận thức một đối tượng cần phải đặt nó trong tương quan với các sự vật khác và môi trường xung quanh.
- Khi nhận thức đối tượng cần phải tránh sự phiến diện, ngụy biện, chiết trung.

 
Nguyên lý mối liên hệ là một trong những nội dung quan trọng của Triết học Mác - Lênin. Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn!!

Liên hệ tương tác trực tiếp qua zalo: 0359.286.819 (chị Linh - giải quyết khó khăn môn Nguyên lý kế toán, Kế toán tài chính TẤT CẢ CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC)
💥Giải đáp FREE các câu hỏi về NGUYÊN LÝ KẾ TOÁN
💥Nhận gia sư 1-1 cấp tốc cho người mất gốc (online/offline)
💥Nhận booking giải bài tập về nhà, đề cương ôn tập , làm mẫu các đề thi (có đáp án và giải thích chi tiết)

Đọc chi tiết dịch vụ tại đây
📍 KHÔNG NHẬN THI HỘ - HỌC LÀ HIỂU BẢN CHẤT