VÔ TÌNH FLEX - NỖI ÁM ẢNH VỀ “PEER PRESSURE” CỦA TÂN SINH VIÊN

Ngày: 25/07/2023

Peer pressure - nỗi ám ảnh của tân sinh viên

Có lẽ, chúng ta đều không lạ lẫm gì trước trend “flex” bắt đầu dậy sóng từ cuối tháng tư trên các nền tảng mạng xã hội bởi các bạn trẻ Gen Z. Đạt thành tích cao, học lực khủng, ngành nghề sang chảnh, đi làm từ sớm… đều được đưa lên mạng xã hội để flex. 

“Chào cậu, tớ là cựu học sinh của Trường THPT Chuyên ABC, rất vui được làm quen với cậu!”
“Cậu phải thi tiếng anh đầu vào à? May quá, tớ có chứng chỉ IELTS 8.0 rồi…”

Những câu nói ấy tưởng chừng là bình thường nhưng đôi khi lại gợi cho các tân sinh viên những suy nghĩ ám ảnh, tiêu cực. Đó chính là dấu hiệu “peer pressure”. Nếu bạn cũng đang loay hoay trong những suy nghĩ tiêu cực ấy thì bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về “peer pressure” và cách cải thiện cuộc sống khi mới bước chân vào cánh cổng đại học!

1. Peer Pressure là gì?

Peer Pressure (hay còn gọi là Áp lực đồng trang lứa) là trạng thái mà khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội (cùng độ tuổi, cùng lớp, cùng công ty, lĩnh vực chuyên môn,...) và phải thay đổi thái độ, giá trị hoặc hành vi để phù hợp với chuẩn mực của nhóm.

Peer Pressure có mặt ở khắp mọi nơi, và xuất hiện nhiều nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt là tân sinh viên bởi sự thiếu hụt kinh nghiệm sống, phải làm quen không gian sống mới,  cũng như là sự thay đổi về tâm sinh lý dẫn tới việc dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh.


Ta có thể bắt gặp hoặc cảm nhận tình trạng này rất dễ dàng. Chẳng hạn như khi còn học cấp 3, bạn vốn là học sinh xuất sắc, đứng top của trường, nhưng khi lên đại học, có rất nhiều người giỏi như vậy, thậm chí là giỏi hơn. Từ một ngôi sao tỏa sáng những năm tháng cấp 3, bạn bỗng biến thành một người “bình thường”, thậm chí bạn nghĩ là mình rất tầm thường. Bạn phải chứng kiến những bạn học cùng lớp đại học start-up, đi thực tập ngay từ năm nhất, rồi bạn lại ao ước những thành tích ấy theo một cách tiêu cực. Có thể nói, đây chính là một sự “mở mang” nhưng nó lại đánh thẳng vào lòng tự ti của bạn.
 

2. Vì sao tân sinh viên thường rơi vào trạng thái "peer pressure"?

Có rất nhiều lý do dẫn đến áp lực đồng trang lứa, bao gồm cả bên ngoài và bên trong. Một số lý do chủ yếu có thể kể đến như sau:
 

2.1. “Buông thả” bản thân với mạng xã hội quá nhiều
 

Chúng ta vừa trải qua một kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời. Chắc hẳn, những ngày tháng ôn luyện như những ký ức khó quên, thậm chí đó còn là một nỗi ám ảnh với một số bạn. Một ngày chúng ta có thể chiến đấu với hàng chục đề, quên ăn, quên ngủ để vào được môi trường mình mong ước. Vậy nên, khi đã hoàn thành xong kỳ thi quan trọng của cuộc đời, các bạn tân sinh viên thường “tặng” cho mình một  khoảng thời gian xả hơn, thậm chí “ngủ quên trên chiến thắng”. 

Thật chẳng vui chút nào khi một buổi sáng đẹp trời, bạn thức dậy và lướt điện thoại như một thói quen rồi tình cờ thấy cậu bạn cùng lớp cập nhật story với những chứng chỉ khóa học nước ngoài. Mạng xã hội vốn là một thế giới thu nhỏ, nhưng nó “ảo” hơn là “thật”. Dù là vậy, nhưng đó cũng là một tiêu chí để bạn bị đắm chìm trong sự tự ti, rồi đem bản thân mình so sánh với người khác. Từ đó mà áp lực đồng trang cứ mỗi lúc một lớn hơn. 

2.2. Mong muốn tìm được “cạ cứng” như thời học sinh
 

Chắc hẳn, thời học sinh ai trong chúng ta cũng đều có những nhóm bạn cùng đồng hành với bao trò nghịch ngợm. Dù ít hay nhiều thì đó cũng là một trải nghiệm tuyệt vời khiến ta khao khát điều ấy ở môi trường mới. Cuộc sống sinh viên trong mắt bạn lúc bấy giờ như một giấc mộng màu hồng, được sống ở một thành phố lớn, được đi làm thêm kiếm tiền, được tham gia trải nghiệm mới…

Nhưng dường như, chỉ ngay sau vài ngày được add vào box chat của lớp mới, bạn lại rơi vào trạng thái tiêu cực. Những môn học mới mình không hề biết cách học mà biết bao bạn cùng lớp lại giơ tay phát biểu ầm ầm, rồi câu lạc bộ tung ra hàng loạt đơn ứng tuyển, nhưng đến vòng đơn bạn còn chả vượt qua nổi… Một môi trường mới, một giấc mộng màu hồng thoáng chốc trở thành bi kịch của bạn.
 

3. Liệu “peer pressure” có thể đối xử với tân sinh viên một cách nhẹ nhàng?

Ông bà ta thường có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tuy nhiên, không phải cứ ở cạnh người giỏi là chúng mình cũng sẽ giỏi theo. Ngược lại, nếu tâm lý bạn không thể vững vàng thì việc phải chịu áp lực này trong khoảng thời gian quá dài mà không thoát ra được sẽ khiến bạn rơi vào tâm lý tiêu cực và hạ thấp bản thân. Chính vì thế, bạn cần phải tìm kiếm những giải pháp để vực dậy bản thân. Và sau đây là một số giải pháp:

3.1. Trân trọng và hoàn thiện giá trị của bản thân

Chúng ta là những con người bình thường, vốn dĩ không ai hoàn hảo cả. Bạn và tôi, ta đều có những ưu nhược điểm của bản thân. Bạn hãy yêu lấy những ưu điểm và bao dung cho những khuyết điểm. Trân trọng bản thân là bước đệm đầu tiên trong hành trình hoàn thiện bản thân. Từ đó, bạn sẽ có một nguồn năng lực tích cực để hướng đến những mục tiêu bền vững. 
 

3.2. Đặt ra mục tiêu và thời gian cụ thể để hoàn thành

Mỗi người đều có một hành trình của riêng mình, và bạn cũng vậy. Nhưng bước đầu tiên để có thể vẽ nên những điều phía sau, trước tiên bạn phải tìm ra mục tiêu cho cuộc sống của bạn, điều mà thực sự khiến bạn cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ về nó. 

Cuộc sống đại học dường như là lần tận hưởng cuối cùng của bạn để bắt đầu đi thẳng vào vòng xoáy cuộc đời. Mỗi ngày bạn hãy dành ra cho mình một chút thời gian để học thêm một ít, tìm tòi thêm một ít. Dần dần, bạn sẽ trở thành một người biết “nhiều”. 

 

3.3. Tôn trọng thành quả của người khác
 

Có biết bao thành tích khiến bạn trở nên bị choáng ngợp với cuộc sống và sợ hãi cuộc đời. Đôi khi, bạn sẽ có thể ghét bỏ nó và cho rằng nó là một thứ gì đó rất “độc hại”. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, không phải tự nhiên họ có được những thành quả đó và bạn cũng vậy. Hãy tôn trọng công sức và thành tích của họ, đó là một cách để mang đến sự thoải mái cho tâm hồn bạn. 



Không một cánh cổng nào trải đầy hoa hồng cả. Trong những năm tháng đại học sẽ có vô vàn mối lo toan và nỗi áp lực khó nói nên lời mà peer pressure chính là một trong số đó. Người ta “flex” khiến bạn đau đầu và tự ti thì đó cũng chính là động lực để bạn cố gắng với một ngày không xa “flex” trả lại ^^


 Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho các bạn, đặc biệt là những ai đang trong tình trạng “peer pressure”. Có thể đôi khi bạn sẽ bị choáng ngợp bởi những vẻ bề ngoài hào nhoáng của biết bao người, nhưng chúng ta vẫn còn vẻ đẹp tri thức tiềm ẩn bên trong. Hãy để Ôn thi sinh viên cùng bạn tiến về phía trước và tạo nên những kỳ tích ở thời sinh viên nhé!

 

Được soạn bởi: Phạm Thúy Ngân