Tài khoản 137- Tạm chi theo thông tư 107/2017/tt-btc

Ngày: 15/10/2021

TÀI KHOẢN 137
TẠM CHI

trích Thông tư 107-2017-TT-BTC.pdf tải về 
Những nguyên tắc kế toán và cách định khoản các nghiệp vụ cơ bản liên quan đến Tài khoản 137- Tạm chi theo hướng dẫn của Thông tư 107/2017/TT-BTC sẽ được trình bày chi tiết trong bài viết sau đây. 

1- Nguyên tắc kế toán

1.1- Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản tạm chi bổ sung thu nhập, trường hợp đơn vị sự nghiệp không có tồn quỹ bổ sung thu nhập chi từ dự toán ứng trước cho năm sau, các khoản tạm chi khác và việc thanh toán các khoản tạm chi đó.

1.2- Chỉ hạch toán vào Tài khoản 137 “Tạm chi” các khoản chi dự toán ứng trước, tạm chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong đơn vị (nếu cơ chế tài chính cho phép) và các khoản tạm chi khác chưa đủ điều kiện chi.

1.3- Cuối kỳ, khi đơn vị xác định được thặng dư (thâm hụt) của các hoạt động và thực hiện trích lập các quỹ theo quy định của quy chế tài chính, đơn vị phải kết chuyển số đã tạm chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong kỳ sang TK 4313 “Quỹ bổ sung thu nhập” (đối với đơn vị sự nghiệp) hoặc TK 421 “Thặng dư (thâm hụt) lũy kế” (đối với cơ quan hành chính) căn cứ quyết định của Thủ trưởng đơn vị theo quy định.
 

2- Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 137- Tạm chi

Bên Nợ:
  • Tạm chi bổ sung thu nhập cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị phát sinh trong kỳ và các khoản tạm chi khác;
  • Số tạm chi từ dự toán ứng trước;
  • Các khoản tạm chi khác phát sinh trong kỳ.
Bên Có:
  • Cuối kỳ, khi xác định được Quỹ bổ sung thu nhập, kết chuyển số đã tạm chi bổ sung thu nhập cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quyết định chi Quỹ của đơn vị sang Tài khoản 4313 “Quỹ bổ sung thu nhập”;
  • Khi đơn vị được giao dự toán chính thức kết chuyển số đã chi sang các tài khoản chi có liên quan;
  • Các khoản tạm chi khác khi đủ điều kiện để kết chuyển sang các TK chi tương ứng.
Số dư Bên Nợ:
Số đã tạm chi nhưng chưa được giao dự toán chính thức, chưa đủ điều kiện chuyển sang chi chính thức hoặc chưa xác định kết quả hoạt động cuối năm.

Tài khoản 137- Tạm chỉ, có 3 tài khoản cấp 2:
  • Tài khoản 1371- Tạm chi bổ sung thu nhập: Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản tạm chi bổ sung thu nhập phát sinh trong kỳ và việc thanh toán các khoản tạm chi này.
  • Tài khoản 1374- Tạm chi từ dự toán ứng trước: Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản chi từ dự toán ứng trước cho năm sau và việc thanh toán các khoản chi đó.
  • Tài khoản 1378- Tạm chi khác: Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản tạm chi khác (như cơ quan nhà nước tạm chi từ kinh phí tiết kiệm xác định trong năm; các đơn vị sự nghiệp chi thực hiện nhiệm vụ đặt hàng của nhà nước nhưng vượt quá số dự toán được giao trong năm...) và việc thanh toán các khoản tạm chi này.

3- Phương pháp hạch toán kế toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu
3.1- Kế toán tạm chi bổ sung thu nhập tại đơn vị sự nghiệp
a) Trong kỳ, nếu được phép tạm chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong đơn vị, phản ánh số phải trả người lao động, ghi:
Nợ TK 137- Tạm chi (1371)
            Có TK 334- Phải trả người lao động.
- Khi chi bổ sung thu nhập cho người lao động, ghi:
Nợ TK 334- Phải trả người lao động
            Có các TK 111, 112.

b) Cuối kỳ, khi xác định kết quả các hoạt động, đối với các đơn vị sự nghiệp được trích lập quỹ bổ sung thu nhập, kết chuyển thặng dư (thâm hụt) sang quỹ bổ sung thu nhập theo quy định của cơ chế quản lý tài chính, ghi:
Nợ TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế
            Có TK 431- Các quỹ (4313).
Đồng thời, kết chuyển số đã tạm chi bổ sung thu nhập trong kỳ theo số đã được duyệt, ghi:
Nợ TK 431- Các quỹ (4313)
            Có TK 137-Tạm chi (1371).

3.2- Kế toán tạm chi dự toán ứng trước
a) Khi phát sinh các khoản chi từ dự toán ứng trước bằng tiền, ghi:
Nợ TK 137- Tạm chi (1374)
            Có các TK 111, 112.

b) Khi phát sinh các khoản chi trực tiếp từ dự toán ứng trước, ghi:
Nợ TK 137- Tạm chi (1374)
            Có TK 337- Tạm thu (3374).
Đồng thời, ghi:
            Có TK 009- Dự toán đầu tư XDCB (0093).

c) Khi được giao dự toán chính thức, ghi:
Nợ TK 241- XDCB dở dang
            Có TK 137- Tạm chi (1374).
Đồng thời, ghi:
Nợ TK 337- Tạm thu (3374)
            Có TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (3664).

3.3- Kế toán các khoản tạm chi khác
a) Trường hợp, các cơ quan nhà nước được tạm chi từ số kinh phí xác định là tiết kiệm trong năm:
- Trong kỳ, nếu được phép tạm chi (như chi bổ sung thu nhập; chi khen thưởng; chi phúc lợi) từ số kinh phí xác định là tiết kiệm trong năm, ghi:
Nợ TK 137- Tạm chi (1371 (nếu chi bổ sung thu nhập); 1378 (nếu chi khen thưởng, phúc lợi))
            Có các TK 111, 112.
- Kết thúc năm, sau khi hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cơ quan xác định số kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được, kết chuyển số đã tạm chi trong năm, ghi:
Nợ TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế
            Có TK 137- Tạm chi (1371, 1378).
- Trường hợp, số kinh phí tiết kiệm chi vẫn chưa sử dụng hết đơn vị trích lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập theo cơ chế tài chính, ghi:
Nợ TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế
            Có TK 431- Các quỹ (4315).

b) Trường hợp, các đơn vị sự nghiệp chi thực hiện nhiệm vụ đặt hàng của nhà nước nhưng dự toán năm nay chưa được giao (thực tế đã chi vượt dự toán giao trong năm, vượt khối lượng nhà nước đặt hàng trong năm...):
- Trong năm đơn vị tạm lấy từ nguồn khác để chi thực hiện nhiệm vụ đặt hàng của nhà nước, ghi:
Nợ TK 137- Tạm chi (1378)
            Có các TK 111, 112.
- Khi được giao dự toán chính thức, ghi:
Nợ TK 008- Dự toán chi hoạt động.
- Khi làm thủ tục rút dự toán để chuyển trả (bù đắp lại) số đã tạm chi trong năm, ghi:
Nợ TK 611- Chi hoạt động
            Có TK 137- Tạm chi (1378).
Đồng thời, ghi:
Nợ các TK 111, 112.
            Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp.
Đồng thời, ghi:
            Có TK 008- Dự toán chi hoạt động.

Hy vọng qua bài viết này, sẽ giúp các bạn sinh viên có thể hiểu nguyên tắc kế toán và cách định khoản Tài khoản 137- Tạm chi tại những đơn vị hành chính sự nghiệp.
Chúc các bạn nắm được kiến thức và đạt điểm cao môn học!

Xem thêm
Tài khoản 138- Phải thu khác