Review ngành Sư phạm tiểu học

Ngày: 29/04/2020
☀️ Sinh thời, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Được ví như những kỹ sư tâm hồn, người thầy là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, mang trong mình trọng trách truyền lại tri thức, văn hoá, đạo đức cho các thế hệ mai sau. Đặc biệt, đối với ngành Sư phạm Tiểu học, thầy cô là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho sự nhận thức thế giới và định hình tính cách cho các em sau này càng quan trọng hơn bao giờ hết. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể hiểu một cách đầy đủ, toàn diện và khách quan về ngành Sư phạm Tiểu học. Trước thềm kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng, admin sẽ cùng các em tìm hiểu về nghề cao quý được cả xã hội tôn vinh này nhé!

1️⃣ Sư phạm Tiểu học thật sự thừa nhân lực❓

​Đã bao giờ các em từng nghe lời khuyên đừng thi sư phạm, ra trường không tìm được việc đâu hay chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm? Phải chăng ngành Sư phạm dư thừa nhân lực nhiều đến vậy? Câu trả lời thật sự là không, đặc biệt là với Sư phạm Tiểu học! Lý do nhiều người nói vậy là bởi sự mất cân đối trong cơ cấu nhân lực của ngành Sư phạm, đặc biệt là tình trạng thừa người yếu, thiếu người giỏi. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại thời điểm tháng 10/2019, Việt Nam thiếu hơn 18.800 giáo viên Tiểu học, trong đó, Hà Nội thiếu 3.580 giáo viên, TPHCM thiếu 2.250 giáo viên, Nghệ An thiếu 1.280 giáo viên,… Đó chính là lý do nhiều tỉnh thành bất đắc dĩ phải “liệu cơm gắp mắm”, điều động giáo viên THCS xuống làm giáo viên Tiểu học và Mầm non gây ra bao chuyện dở khóc dở cười. Như vậy, ngành Sư phạm Tiểu học không phải là một ngành thất nghiệp như nhiều người vẫn nghĩ, đặc biệt, nhu cầu bổ sung nhân lực phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới đang tạo cơ hội việc làm rất tốt cho sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học.

2️⃣ Những thuận lợi và khó khăn đối với giáo viên Tiểu học

​Trở thành một giáo viên Tiểu học trong tương lai, các em sẽ có một công việc ổn định, ít va chạm với những bon chen, xô bồ của cuộc sống thường nhật, được nghỉ hè,… và điều quan trọng là niềm vui khi được nhìn các em nhỏ dưới bàn tay dìu dắt của mình từng bước trưởng thành.
​Thế nhưng, đổi lại, giáo viên Tiểu học cũng đối mặt với không ít khó khăn và thử thách. Không ít người cho rằng làm giáo viên, đặc biệt là giáo viên Tiểu học nhàn hạ. Điều này có đúng không? Câu trả lời là đúng với những người thầy không có trách nhiệm với nghề. Nghề giáo là nghề rất vất vả và hy sinh trong lặng lẽ. Ngoài giờ lên lớp, giáo viên về nhà còn phải soạn giáo án, chấm bài, ghi sổ sách,… đặc biệt là từ năm 2014, đổi mới giáo dục Tiểu học thì công việc của giáo viên Tiểu học lại càng nhiều hơn. Hiện nay, bậc lương của nhà giáo là một trong những bậc lương cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp của Việt Nam nhưng so với những ngành nghề khác, đồng lương của giáo viên Tiểu học không cao, nếu không thật sự yêu nghề không thể thiết tha với công việc.

3️⃣ Ngành Sư phạm Tiểu học yêu cầu những tố chất nào?

​Học Sư phạm Tiểu học, điều đầu tiên các em cần là nhân cách tốt. Nếu như sản phẩm của các ngành nghề khác được cân đong đo đếm bằng giá trị thương mại thì ngành Sư phạm Tiểu học là tri thức, đạo đức và tâm hồn con người: “Mặt trời mọc rồi lặn, mặt trăng khuyết rồi lại tròn nhưng ánh sáng mà người thầy chiếu rọi vào chúng ta sẽ còn mãi trong suốt cuộc đời” (Quách Mạt Nhược). Điều đó tạo nên một áp lực vô hình, buộc người giáo viên Tiểu học phải giữ hình tượng, giữ bản thân như một tấm gương sáng cho học trò noi theo, không chỉ trên lớp học mà cả trong cuộc sống.
​Đồng thời, đi liền với nhân cách tốt là năng lực. Bản thân không giỏi thì đừng nghĩ đến chuyện dạy người. Giỏi ở đây không chỉ về kiến thức sách vở mà còn là kỹ năng, phương pháp giảng dạy, khả năng đánh giá, phát hiện chính xác đầy đủ và kịp thời sự thay đổi của học sinh về tình cảm, nhận thức cũng như nhu cầu riêng biệt của từng em… để có thể đưa ra định hướng phát triển đúng đắn cho các em. Vì thế, làm nghề dạy học, các bạn cần học suốt đời: “Bản thân nhà giáo dục cũng phải được giáo dục” (Karl Marx).
​Làm việc trong bất kỳ ngành nghề nào thì lòng yêu nghề là điều vô cùng quan trọng nhưng để trở thành giáo viên Tiểu học thì yêu nghề thôi chưa đủ, các bạn cần có tình yêu với trẻ em. Chỉ có tình yêu lớn lao với trẻ em, các bạn mới có thể kiên nhẫn và sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những tâm sự ngây thơ của các em, truyền đạt kiến thức một cách gần gũi nhất, khuyên nhủ các em những điều hay lẽ phải. Tình yêu đối với trẻ em vừa là yếu tố cần thiết vừa là động lực để các bạn không mệt mỏi, áp lực trước ngành nghề đặc thù này.
=> Một người thầy đúng nghĩa là một người có đủ tài, tâm và tầm!

4️⃣ Một số trường đào tạo ngành Sư phạm Tiểu học

- Khu vực miền Bắc:
+ Đại học Sư phạm Hà Nội 1
+ Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc)
+ Đại học Thủ đô Hà Nội
+ Đại học Sư phạm - ĐH Thái Nguyên
+ …
- Khu vực miền Trung:
+ Đại học Sư phạm Huế
+ Đại học Vinh
+ Đại học Quy Nhơn
+ …
- Khu vực miền Nam:
+ Đại học Sư phạm TP.HCM
+ Đại học Sài Gòn
+ Đại học Cần Thơ
+ …
Tổng hợp thông tin về 54 ngành nghề https://bit.ly/2yWIc49