Học phí Đại học Ngoại thương chi tiết mới nhất 2024

Ngày: 13/03/2024
Trường Đại học Ngoại thương (FTU) không còn xa lạ đối với nhiều bạn trẻ và cả các bậc phụ huynh. Được mệnh danh là một đơn vị đào tạo bậc Đại học hàng đầu tại Việt Nam, FTU nổi tiếng với những kỳ tuyển sinh khắc nghiệt và đa dạng các chuyên ngành. Hãy cùng  Ôn thi sinh viên tìm hiểu nhé!
 

1. Giới thiệu về Trường Đại học Ngoại thương

Đại học Ngoại thương (Foreign Trade University - FTU) đứng trong số những trường đại học hàng đầu của cả nước, tập trung vào việc đào tạo kinh tế và chuyên ngành chính là Kinh tế đối ngoại. Trường Đại học Ngoại thương ra đời chính thức vào năm 1964, ban đầu mang tên là trường Đại học Cán bộ Ngoại giao - Ngoại Thương, được tách ra từ Khoa Quan hệ quốc tế của trường Đại học Kinh tế - Tài chính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trường bao gồm hai khoa đào tạo là Khoa Ngoại Giao và Khoa Ngoại Thương. Vào năm 1965, Thủ tướng Chính phủ quyết định chia thành hai trường là Học viện Ngoại giao (thuộc Bộ Ngoại giao) và Đại học Ngoại thương (thuộc Bộ Công thương), như hiện nay.
 
Tranh cãi việc lấy sinh viên Ngoại thương ra làm thước đo mức lương: Cứ học
FTU và nàng hoa hậu xinh đẹp Lương Thùy Linh

Hiện tại, trường đã phát triển và xây dựng 16 khoa và viện, đào tạo 12 ngành với 3 cơ sở trên toàn quốc. Đại học Ngoại thương tập trung vào việc cung cấp chất lượng đào tạo, triển khai các phương hướng đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại 4.0, và nhận được sự công nhận từ nhiều đại học quốc tế. Khoa Đào tạo quốc tế của trường hiện đang có nhiều chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học nổi tiếng như Đại học Bedfordshire ở Anh Quốc và Trường Kinh doanh Niels Brock Copenhagen ở Đan Mạch.

Ngoài việc đầu tư vào chất lượng giảng dạy, trường cũng tập trung đặc biệt vào các hoạt động ngoại khóa, hỗ trợ học tập, tư vấn tâm lý, và hướng nghiệp cho sinh viên. Với gần 40 câu lạc bộ khác nhau, bao gồm cả các câu lạc bộ chuyên môn và theo sở thích, sinh viên FTU thường rất năng động và tài năng, có khả năng đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau sau khi tốt nghiệp.

2. Các phương thức xét tuyển của FTU

- Phương thức 1 là xét học bạ bậc THPT nếu học sinh thuộc một trong ba nhóm: tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên. Nhận hồ sơ từ ngày 22-5 đến 17h ngày 31-5
- Phương thức 2 là xét tuyển dùng chứng chỉ quốc tế, kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và học bạ hoặc điểm bài thi chuẩn hóa SAT, ACT, A-Level. 
- Phương thức 3 là xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và điểm thi tốt nghiệp THPT.
- Phương thức 4 là xét điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia năm 2023 cho một số chương trình tiêu chuẩn tại TP.HCM, Hà Nội. 
- Phương thức thứ 5 là xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
- Phương thức 6 là xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Chi tiết học phí Trường Đại học Ngoại thương mới nhất

Năm học 2023 - 2024, Trường đại học Ngoại thương dự kiến tăng học phí hầu hết chương trình đào tạo, cụ thể:
 

- Học phí dự kiến năm học 2023 - 2024 với chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm.
- Học phí chương trình chất lượng cao dự kiến là 45 triệu đồng/năm, tăng 5 triệu đồng.
- Học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu.
- Học phí của các chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế: Chương trình logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế, chương trình kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản, chương trình kế toán - kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, chương trình chất lượng cao luật kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp, dự kiến khoảng 45 triệu đồng/năm, tăng 5 triệu đồng.
- Học phí của chương trình quản trị khách sạn, marketing số, kinh doanh số, truyền thông marketing tích hợp, 60 triệu đồng/năm, tăng 5 triệu.

Nhà trường cho biết dự kiến học phí của các chương trình được điều chỉnh hằng năm không quá 10%/năm.

Về chính sách miễn giảm học phí và học bổng, với mục tiêu thu hút nhân tài và đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục đại học với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên trong học tập, hàng năm, Trường Đại học Ngoại thương trích khoảng 30 tỷ đồng từ nguồn thu học phí của sinh viên chính quy, các nguồn thu khác của trường để cấp học bổng khuyến khích học tập, hỗ trợ tài chính và các hoạt động của sinh viên.

Cụ thể, Quỹ học bổng khuyến khích học tập bao gồm: Học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên đạt kết quả tốt trong học tập; Học bổng dành cho sinh viên các chương trình chương trình tiên tiến, chất lượng cao và các chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế; Học bổng khuyến khích dành cho sinh viên thủ khoa đầu vào; Học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt kết quả học tập tốt; Học bổng của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước,...

Các hoạt động hỗ trợ sinh viên bao gồm: Hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học; Hỗ trợ ưu tiên bố trí ký túc xá và miễn giảm lệ phí ký túc xá cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ tài chính cho sinh viên trong các trường hợp khó khăn đột xuất;

Hỗ trợ thường niên cho các câu lạc bộ sinh viên; Hỗ trợ chi phí hành chính cho Đoàn thanh niên; Phụ cấp cho cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, chủ tịch câu lạc bộ sinh viên...; Hỗ trợ các hoạt động phong trào của Đoàn thanh niên; Hỗ trợ tiền tết Nguyên Đán cho sinh viên; Hỗ trợ công tác Hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng, tư vấn việc làm cho sinh viên; Hỗ trợ chuyên môn cho các câu lạc bộ và các hỗ trợ khác.

Nhà trường cũng có quỹ cho vay học bổng FTU-MABUCHI với định mức cho vay khoảng 15 triệu đồng/năm, lãi suất 0%. Thời gian cho vay kéo dài tối đa 8 năm, dành cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để trang trải chi phí sinh hoạt và học tập.

 
(Nguồn: tuoitre.vn, daibieunhandan.vn)


Bước vào đại học là một hành trình mới đầy thú vị và thử thách. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp các tân sinh viên có sự chuẩn bị tốt nhất cho lựa chọn của mình. Chúc các bạn có một khởi đầu suôn sẻ và thành công!