CÁC LOẠI THANG ĐO TRONG THỐNG KÊ VÀ VÍ DỤ

Ngày: 29/01/2024

Trong lĩnh vực thống kê, việc phân loại và sử dụng các loại thang đo là rất quan trọng để định nghĩa và đo lường các thuộc tính dữ liệu. Các loại thang đo khác nhau cung cấp thông tin quan trọng về các mức độ, sự hơn kém, và khoảng cách giữa các giá trị. Hôm nay hãy cùng Onthisinhvien.com tìm hiểu về từng loại thang đo và ví dụ về từng loại thang đo nhé!

1. Thang đo danh nghĩa

Thang đo danh nghĩa được sử dụng để phân loại dữ liệu thành các nhóm rời rạc không có thứ bậc. Trong thang đo này, các biểu hiện được định danh bằng cách sử dụng các con số tương ứng. Thang đo danh nghĩa được phân chia thành 02 loại như sau: thang đo nhị phân (có 02 thuộc tính giá trị trong một đối tượng) và thang đo danh mục (có nhiều thuộc tính giá trị trong một đối tượng).

Ví dụ: Trong việc phân loại tình trạng hôn nhân, chúng ta có thể sử dụng con số 1 để đại diện cho "độc thân" và con số 2 để đại diện cho "đã kết hôn".
Thang đo danh nghĩa giúp phân loại dữ liệu và định danh các nhóm khác nhau dựa trên các thuộc tính cụ thể.

2. Thang đo thứ bậc

Thang đo thứ bậc được sử dụng để xác định sự hơn kém hoặc thứ tự giữa các giá trị của biến. Trong thang đo này, các giá trị được sắp xếp theo thứ tự nhưng không chỉ ra mức độ chênh lệch giữa chúng.​​​​​​​

Ví dụ: Khi phân loại chất lượng dịch vụ của một quán ăn, chúng ta có thể sử dụng con số 1 để đại diện cho "không hài lòng", con số 2 để đại diện cho "hài lòng" và con số 3 để đại diện cho "rất hài lòng".
Thang đo thứ bậc thường được sử dụng để xác định mức độ hài lòng của khách hàng, mức độ quan tâm của người tiêu dùng, hay xếp loại các đặc điểm của một biến.

3. Thang đo khoảng

Thang đo khoảng cho biết khoảng cách giữa các thứ tự và đo lường mức độ khác biệt giữa các giá trị. Thang đo này thường sử dụng một dãy liên tục các con số để biểu thị khoảng cách. ​​​​​​​

Ví dụ: Một thang đo khoảng có thể sử dụng các con số từ 1 đến 5 hoặc từ 1 đến 10 để đánh giá mức độ đồng ý hoặc hài lòng của một nhóm người. Số 1 thể hiện mức độ không đồng ý hoặc không hài lòng, trong khi số 5 hoặc số 10 thể hiện mức độ rất đồng ý hoặc rất hài lòng.
Thang đo khoảng giúp đo lường mức độ chênh lệch và khoảng cách giữa các giá trị của biến.

4. Thang đo tỷ lệ

Thang đo tỷ lệ thường được sử dụng trong việc phân tích thống kê của các biến số như tuổi, mức thu nhập, chiều cao và cân nặng, điểm trung bình của lớp học và nhiều biến số khác.

Ví dụ: Khi so sánh mức thu nhập của hai người, thang đo tỷ lệ cho phép chúng ta biết mức thu nhập của một người gấp bao nhiêu lần mức thu nhập của người kia. Nếu một người có mức thu nhập gấp đôi mức thu nhập của người kia, ta có thể nói rằng người đó nhận được mức thu nhập cao gấp đôi so với người kia.​​​​​​​

5. Những lưu ý khi lựa chọn thang đo

Thứ nhất, khi lựa chọn thang đo, cần hiểu rõ tác động của thang đo đó đến loại dữ liệu thu thập được. Thang đo danh nghĩa và thang đo thứ bậc cung cấp dữ liệu định tính, trong khi thang đo khoảng và thang đo tỷ lệ cung cấp dữ liệu định lượng.

Thứ hai, mỗi loại thang đo sẽ yêu cầu sử dụng các phép toán thống kê khác nhau. Thang đo có mức độ đo lường cao cho phép áp dụng đa dạng các phép toán thống kê. Khi phân tích, thang đo danh nghĩa và thang đo thứ bậc chỉ cho phép tính tỷ lệ phần trăm, trong khi thang đo khoảng và thang đo tỷ lệ cho phép thực hiện nhiều phép toán hơn như trung bình, phương sai, độ lệch chuẩn,...

Thứ ba, thang đo khoảng là thang đo được thu thập bằng cách sử dụng các mức độ điểm từ 1 đến 5, hoặc từ 1 đến 10, mà không có tiêu chuẩn cụ thể cho từng bậc trên thang đo đó. Do đó, việc gán điểm trở nên không khách quan vì câu trả lời phần lớn phụ thuộc vào cảm xúc của người trả lời.

 
UEH EBOOK THỐNG KÊ ỨNG DỤNG TRONG KINH TẾ VÀ KINH DOANH​​​​​​​